TTO - Đồng hồ điểm đúng 23h đêm. Tiếng loa phát thanh vang lên: "Đã đến giờ cấm xe máy lưu thông qua hầm vượt sông Sài Gòn để đảm bảo an toàn". Đây cũng là lúc các kỹ sư bắt đầu "khám bệnh" định kỳ cho đường hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á.
Kiểm tra quạt thông gió, hút bụi hầm sông Sài Gòn
Khi thanh chắn đóng xuống làn xe máy, toàn bộ không gian trong hầm vượt sông Sài Gòn chỉ còn nghe tiếng quạt gió vù vù, tiếng ôtô lao đi vun vút giữa đêm. Dưới ánh đèn vàng, từng tốp "bác sĩ" là các kỹ sư, kỹ thuật viên bắt tay vào việc kiểm tra, bảo trì đường hầm cho đến tận 4h sáng hôm sau.
"Mắt thần" soi từng milimet
Lúc này, một tốp kỹ sư chăm chú lắp đặt thiết bị điện tử quét laser vào vách đường hầm để tìm vết thấm, nứt. "Mắt thần" đặc biệt này do Phần Lan sản xuất, trị giá hơn 2 tỉ đồng, có khả năng "đọc" được sâu bên trong kết cấu bêtông dày. Còn tốp kỹ sư khác thực hiện kỹ thuật đo độ lún mặt đường, vệ sinh thiết bị vận hành để đảm bảo hầm hoạt động an toàn.
23h15, chiếc ôtô lắp thiết bị điện tử bắt đầu lăn bánh trên làn đường xe máy và hướng đầu thiết bị quét laser vào vòm và thành hầm. Cùng lúc chiếc máy tính bảng trên tay một kỹ sư ngồi trên xe cũng bắt đầu hiện ra các thông số về độ thấm, kết cấu vòm hầm. Hai camera gồm camera thường và camera cảm biến nhiệt ghi lại toàn bộ hình ảnh được quét.
Xe lắp thiết bị điện tử kiểm tra thấm, nứt
Kỹ sư Nguyễn Hoàng Long không rời mắt khỏi màn hình để theo dõi sự thay đổi các thông số trên camera. Đồng thời, anh quan sát và hướng dẫn cho tài xế lái xe dừng đúng vị trí quét.
10 phút trôi qua, mồ hôi đã lấm tấm trên gương mặt anh vì căng thẳng quan sát. Kỹ sư Long đưa tay quệt mồ hôi trên mặt, mắt vẫn dán chặt vào màn hình giám sát. Thỉnh thoảng, xe lệch vị trí, máy không quét được, anh lại nhoài người hướng dẫn tài xế điều chỉnh vị trí xe.
Đặc biệt, những đoạn đường hầm khó quét, anh nhảy xuống xe xem xét cẩn thận, rồi điều chỉnh lại máy móc trên xe để hoạt động quét laser chính xác.
Theo kỹ sư Long, việc kiểm tra độ thấm, nứt của hầm cần rất nhiều công đoạn và khá phức tạp. Chỉ riêng việc điều khiển máy quét laser cũng vô cùng khó, các kỹ sư và công nhân phải điều chỉnh bánh xe chuyên dụng lăn đúng tốc độ 10-15km/h... Mỗi lần xe đi qua, máy quét laser báo kết quả về trung tâm điều khiển hoạt động đường hầm. Theo đó, các kỹ sư sẽ phân tích những điểm có nguy cơ thấm, nứt để kịp thời xử lý.
Bên trong đường thoát hiểm
Kết thúc kiểm tra đường hầm chính, đội kỹ sư, kỹ thuật viên tháo thiết bị máy móc trên ôtô để lắp vào xe đẩy, chuẩn bị cho đợt kiểm tra thấm, nứt trong lối thoát hiểm. Điều bất ngờ là chiếc xe đẩy này khá giống với xe "hủ tiếu gõ". Và các kỹ sư cũng cười thừa nhận nó không khác mấy so với xe hủ tiếu gõ, bởi bề rộng lối thoát hiểm có 2m quá hẹp không thể đưa ôtô vào được. Anh em kỹ sư đã tự chế chiếc "xe đặc chủng" này để lắp đặt thiết bị kiểm tra.
Dọc tường vách đường hầm sông Sài Gòn có đến 41 cửa thoát hiểm. Bước vào bên trong lối thoát hiểm, chúng tôi thấy ánh đèn dọc trên đường thoát hiểm đủ sáng để mọi người có thể quan sát chạy thoát nạn. Bên trong lối thoát hiểm là những thùng đựng cát dập lửa nếu xảy ra hỏa hoạn.
Phải chui vào lồng, lau quạt gió
Lối thoát hiểm được thiết kế bằng kỹ thuật tường trong đất chắc chắn với bề rộng 2m có thể cùng lúc 2 người hoặc hơn chạy song song thoát nạn. Khi xảy ra bất cứ sự cố nào trong hầm, các nhân viên quản lý hầm sẽ hướng dẫn người dân vào lối thoát hiểm chạy ra hai đầu hầm.
Để người chạy xe trong đường hầm có đủ oxy hít thở bình thường chính là nhờ hệ thống thông gió hoạt động 24/24 giờ bắt nguồn từ hai tòa nhà tháp cao được xây dựng gần hai đầu đường hầm phía quận 1 và quận 2. Hai tòa tháp đồ sộ này là nơi lắp đặt những thiết bị điều khiển trực tiếp các hoạt động trong hầm. Đặc biệt là hệ thống cấp nguồn bao gồm hệ thống điện, hệ thống thông gió, hệ thống phòng cháy chữa cháy, thoát nước...
Ở sâu dưới đáy sông, hệ thống thông gió luôn bơm đủ lượng oxy cần thiết, nhưng đồng thời tốc độ gió trong đường hầm cũng được "chỉnh" ở mức không tạo lực cản đối với phương tiện lưu thông. Bố trí cách đầu hầm 250-300m, các quạt gió phản lực zephen là quạt đẩy gió. Còn cách đầu đường hầm 100m có các miệng thu gió lên bằng quạt hút mà chủ yếu là hút khí thải xe rồi đưa vào hệ thống xử lý. Nước mưa, nước thải trong hầm cũng được xử lý trước khi đổ ra ngoài bảo đảm vệ sinh môi trường.
Chúng tôi đi bộ xuống các tầng hầm tòa tháp, nhiều căn phòng khép kín với chức năng khác nhau. Càng xuống sâu, chúng tôi cảm thấy không khí ngột ngạt hơn và hơi khó thở. Nhưng trong một số phòng chức năng, công nhân vẫn đang miệt mài làm việc.
Men theo hành lang vào các phòng lọc bụi tĩnh điện, chúng tôi gặp 5 kỹ thuật viên được trang bị bảo hộ, khẩu trang lao động kín mít đang lặng lẽ cặm cụi làm việc. 3 người phụ trách việc chiếu đèn cho 2 người khác làm vệ sinh thiết bị lọc bụi. Tất cả đều tập trung cao độ để tuyệt đối tránh sai sót và sớm hoàn thành công việc độc hại.
Bảo vệ an toàn nóc hầm
Đường thoát hiểm hầm sông Sài Gòn - Ảnh: CHẾ THÂN
Ông Đoàn Văn Tấn, giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, cho biết: Việc bảo dưỡng nóc hầm cũng hết sức quan trọng. Phía trên nóc hầm đã được phủ một lớp đá, cát dày khoảng 3m. Tuy nhiên, luồng nước chảy dưới lòng sông làm bên lở, bên bồi. Vì vậy, mỗi năm một lần phải tổ chức quan trắc bằng máy siêu âm để biết bên lở, bên bồi mà có biện pháp xử lý.
Chẳng hạn, nếu nóc hầm bên quận 1 bị lở thì đổ cát lên nóc hầm cho đúng với thiết kế xây dựng. Ngược lại nếu phía quận 2 bị bồi thì sử dụng thiết bị chuyên dụng hút bùn đất phía trên nóc. Việc bảo vệ nóc hầm này nhằm đảm bảo cho tàu lưu thông, không để xảy ra va chạm các đốt hầm và bảo đảm hầm luôn an toàn.
Hầm an toàn, xe thông suốt
Đưa chúng tôi đến từng công đoạn bảo dưỡng hầm sông Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Trung - đội trưởng đội vận hành đường hầm, điều khiển giao thông - cho biết trong tất cả khâu bảo trì, bảo dưỡng, công tác kiểm tra thấm, nứt là quan trọng nhất.
Bởi toàn bộ hầm sông Sài Gòn được xây dựng bằng bêtông nằm dưới lòng sông ở độ sâu đến 24m phải chịu đựng áp lực nước rất lớn. Việc sớm phát hiện những "bệnh tật" phát sinh nhằm kịp thời xử lý là cực kỳ quan trọng để không xảy ra sự cố, đảm bảo an toàn cho đường hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á này.
Vệ sinh hệ thống đèn đường hầm
Tám năm qua kể từ khi đường hầm hoạt động, liệu có sự cố nào đáng báo động? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Trung cho biết chưa có trường hợp nào thấm nước đáng báo động, chỉ có ở mức được xử lý bình thường.
Trước đây, trong thời gian còn bảo hành đường hầm, việc này do nhà thầu Nhật thực hiện. Nay toàn bộ công tác bảo dưỡng do đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên Việt nam thực hiện. Họ đều được đào tạo chuyên môn ở nước ngoài hoặc trong nước.
Đặc biệt, từ năm 2009-2010, nhà thầu Nhật cũng đã chuyển giao toàn bộ công nghệ cho nhân lực Việt nam.
4h30 sáng, việc "khám bệnh", bảo dưỡng hầm Sài Gòn kết thúc. Các kỹ sư, công nhân thu xếp thiết bị, máy móc về cất trong tòa tháp cao ở đầu đường hầm. Gạt mồ hôi, họ nở nụ cười, bảo đảm an toàn cho hơn 350.000 lượt xe lưu thông mỗi ngày qua đường hầm sông Sài Gòn thông suốt, bình an...
Hầm sông Sài Gòn được xây dựng ra sao?
Thiết bị nâng bảo trì đường hầm
Hầm vượt sông Sài Gòn có chiều dài 1.490m, bao gồm 3 đoạn chính là: hầm dẫn phía quận 1 có tổng chiều dài 585m; hầm dẫn phía quận 2 có tổng chiều dài 535m; hầm dìm lắp đặt ở đáy sông gồm 4 đốt hầm đúc có tổng chiều dài 370m, rộng 33,3m và cao gần 9m với hai chiều xe lưu thông, mỗi chiều có 3 làn xe gồm 2 làn ôtô và 1 làn xe máy.
Mỗi ngày có 52.000 lượt ôtô và 300.000 lượt xe máy qua hầm. Số lượng xe lưu thông quá lớn như vậy chỉ cần sự cố nhỏ sẽ gây ùn tắc ở hai đầu hầm.
Toàn bộ tiêu chí về thấm nứt, xử lý thấm nứt của cấu kiện bêtông được quy định rõ trong quy trình quản lý, vận hành và bảo trì kết cấu và thiết bị đường hầm sông Sài Gòn gồm 5 mức độ.
Ở mức độ A khi xuất hiện vết nứt có bề rộng 0,3mm. Mức độ B khi xuất hiện vết nứt bề rộng từ 0,2-0,3mm... Mức D là khi bề rộng vết nứt nhỏ hơn 0,1mm.
Còn mức E khó thực hiện kiểm tra bằng mắt thường mà không có giàn giáo. Trong đó có mức độ thấm, nứt cần xử lý, có mức độ ở ngưỡng an toàn.
Khi phát hiện dấu hiệu thấm nứt nguy hiểm, cần phải lập tổ kiểm tra chi tiết ngay lập tức để xác định phạm vi, biện pháp và lên kế hoạch sửa chữa. Sau đó tiến hành sửa chữa càng sớm càng tốt.
(Theo https://tuoitre.vn)