Quản lý hạ tầng đô thị bằng công nghệ số là một trong những xu hướng tất yếu và là nền tảng cơ bản để triển khai các mô hình đô thị thông minh (smart city). Trong những năm vừa qua, một số đô thị ở Việt Nam cũng đã nghiên cứu, đề xuất và triển khai việc thu thập dữ liệu dạng số (số hóa) các dữ liệu về hạ tầng đô thị, trong đó có cả dữ liệu về hiện trạng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm (cấp thoát nước, cáp điện, cáp viễn thông...). Việc quản lý tốt hiện trạng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm dưới dạng dữ liệu số sẽ giúp cho việc quản lý quy hoạch không gian ngầm nói riêng và quản lý hạ tầng đô thị nói chung hiệu quả hơn, tiết kiệm được thời gian tra cứu và tối ưu hóa độ chính xác trong quá trình khai thác các thông tin dữ liệu. Hơn nữa, việc xây dựng và quản lý các hiện trạng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu số dùng chung, là nền tảng của quá trình xây dựng mô hình đô thị thông minh.
Vừa qua, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, đoàn khảo sát thực địa của Bộ môn Vật Lý Địa cầu, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành khảo sát, thu thập dữ liệu về công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm trong khu vực đô thị. Đây là một trong những hạng mục thuộc đề tài "Ứng dụng GIS trong quản lý hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm" do Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Liên danh Trung tâm Công nghệ thông tin Địa lý (DITAGIS) và Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Greely Việt Nam triển khai thực hiện. Mục tiêu của dự án này là xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng hiện đại phục vụ công tác quản lý, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm ngày càng hiệu quả, đồng bộ và chính xác.
Các chuyên gia đã sử dụng thiết bị công nghệ Radar xuyên đất (GPR/Georadar), model Detector Duo của Hãng IDS GeoRadar (Ý) khảo sát ngoài hiện trường để dò tìm và bản đồ hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, bao gồm các đường ống cấp, thoát nước, đường cáp điện, cáp viễn thông, chiếu sáng đô thị... Các dữ liệu GPR thu thập được này sau đó được xử lý thông qua các phần mềm chuyên dụng và là dữ liệu đầu vào quan trọng để xây dựng lên các bản đồ số về hiện trạng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm của thành phố. Thời gian dự kiến khảo sát và xử lý dữ liệu công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị trên toàn địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm kéo dài khoảng 2 tháng. Dưới đây là một số hình ảnh thực tế khi triển khai dự án:
Quá trình khảo sát, thu thập thông tin dữ liệu số về công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm được thực hiện bởi
Bộ môn Vật lý Đia cầu, trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Thiết bị được sử dụng là thiết bị
Radar xuyên đất (GPR/Georadar), model Detector Duo của Hãng IDS GeoRadar (Ý)