Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức Hội thảo phát triển công nghệ dữ liệu không gian 3D. Đây là diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin, phổ biến các kết quả nghiên cứu, giới thiệu các thiết bị, công nghệ trong thu nhận, xử lý, trình diễn dữ liệu không gian 3D tại Việt Nam trong thời gian qua.
Dữ liệu không gian ba chiều (3D) là một trong những dữ liệu đầu vào để xây dựng bản sao số (Digital Twins), quy hoạch và triển khai thành phố thông minh (Smart City), xây dựng hệ thống địa chính 3D; giúp tăng cường phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên hiệu quả; phục vụ đánh giá tiềm ẩn rủi ro đối với cơ sở hạ tầng, cộng đồng ven biển do ảnh hưởng của kịch bản nước biển dâng, biến đổi khí hậu, triều cường kết hợp với các bộ dữ liệu rủi ro lũ lụt khác để đánh giá mức độ thiệt hại và tàn phá khác nhau; phục vụ công tác an ninh, quốc phòng…
Ông Nguyễn Phi Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cho rằng, hội thảo là dịp để các đại biểu trao đổi về các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, với các chủ đề như thu nhận dữ liệu 3D bằng các công nghệ hiện đại như LiDAR, UAV, GPR, IoT; xử lý, tích hợp, làm giàu dữ liệu UAV, vệ tinh quang học, Radar, dữ liệu thống kê… bằng các phần mềm chuyên dụng; quản lý và trình diễn dữ liệu không gian 3D ở trong lòng đất, trên mặt đất, trên không.
Ông Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ phát biểu tại Hội thảo
Một trong những báo cáo được quan tâm tại hội tảo là nghiên cứu ứng dụng phương pháp giao thoa radar vi phân (DInSAR) và thông tin địa động lực trong đánh giá ảnh hưởng của động đất tại khu vực Kon Tum của TS. Đỗ Thị Hoài, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ.
TS. Đỗ Thị Hoài cho biết, trong năm 2021, tại Kon Tum thường xuyên xảy ra động đất vừa và nhỏ, ảnh hưởng tới đời sống của người dân trong khu vực. Nguyên nhân động đất được cho là do hoạt động tích nước tại các hồ thủy điện và do vận động của các đứt gãy địa chất. Với sự phát triển của kỹ thuật viễn thám, đặc biệt kỹ thuật giao thoa radar vi phân (DInSAR- Differential Interferometry Synthetic Aperture Radar) đã cung cấp phương pháp quan trắc chuyển dịch bề mặt trên diện rộng. Do đó, việc nghiên cứu, cũng như đề xuất ứng dụng phương pháp giao thoa vi phân (DInSAR) sử dụng tư liệu ảnh Sentinel-1A đa thời gian và thông tin địa động lực là một trong những công cụ góp phần đánh giá ảnh hưởng của động đất tại Kon Tum. Đồng thời, cũng đánh giá khả năng ứng dụng của phương pháp giao thoa radar trong nghiên cứu giám sát động đất tại Việt Nam.
Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, kỹ thuật giao thoa liên tục PSInSAR là một công cụ giám sát hiệu quả các dịch chuyển bề mặt ở diện rộng. Tại thời điểm xảy ra dư chấn, kết quả phân tích dữ liệu giao thoa đa thời gian tại các điểm cho thấy hiện tượng sụt lún đất bất thường lên tới -50mm. Kết hợp với kết quả đo địa động lực cũng cho thấy có sự dịch chuyển không ổn định. Từ các kết quả nghiên cứu sẽ giúp nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ InSAR để giám sát chuyển dịch bề mặt, đặc biệt là ảnh hưởng của động đất tại Việt Nam.
Cũng tại Hội thảo ThS. Nguyễn Thanh Thủy, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã chia sẻ về nghiên cứu thiết kế, xây dựng hệ thống quan trắc tiếng ồn trực tuyến tại khu vực đô thị bằng công WebGIS và truyền dẫn không dây. Trong đó, theo ThS. Thủy tiếng ồn là nguyên nhân ảnh hưởng tới sức khỏe lớn thứ 2 sau bụi, gây các bệnh lý về tim mạch, huyến áp, thính giác. Tại khu vực đô thị là nơi tập trung nhiều công sở, cơ quan, trường học, bệnh viện, mật độ dân số cao, mật độ phương tiện giao thông lớn, nhiều công trường xây dựng. Do đó, cần giám sát được mức độ ô nhiễm tiếng ồn, đưa ra các cảnh báo, giải pháp để giảm thiểu, khắc phục...
Từ thực tế trên nhóm nghiên cứu đã tiến hành lắp đặt, cũng như vận hành hệ thống và thành lập bản đồ ô nhiêm tiếng ôn tại tuyến phố Tô Hiệu; chợ Nhật Tân... Kết quả phân tích dữ liệu tiếng ồn được thành lập trong 24h ngày 29/3/2021 cho thấy mức cường độ âm lớn tập trung vào các khung giờ từ 6 - 13h và 16 - 22h sau đó mức độ ồn giảm dần. Trong khoảng thời gian nay, giá trị mức ồn tập trung lớn nhất là vào khung giờ từ 7 - 8h và 17 - 18h do đây là giờ cao điểm, người lao động đi làm và tan sở nên mật độ phương tiên di chuyển cao.
Các đại biểu dự Hội thảo chụp hình lưu niệm
Qua các kết quả quả nghiên cứu cho thấy việc thiết kế, chế tạo hệ thống quan trắc tiếng ồn trực tuyến (theo thời gian gần thực) tại khu vực đô thị bằng công nghệ WebGIS và truyền dẫn không dây tại Việt Nam bước đầu khẳng định khả năng chủ động trong thiết kế, chế tạo và tích hợp các linh kiện, thiết bị và xây dựng các hệ thống quan trắc ô nhiễm môi trường một cách chủ động...
Hệ thống này có thể hỗ cho cơ quan quản lý nhà nước về tiếng ồn hiệu quả hơn do có thể giảm thiểu thời gian, công sức của con người trong công tác thực địa: công tác quan trắc tiếng ồn có thể được thực hiện một cách tự động, liên tục và có khả năng công bố, cung cấp dữ liệu tiếng ồn...
Nguồn: https://monre.gov.vn/