Lần đầu tiên ở Việt Nam, công nghệ số hóa được ứng dụng toàn bộ cho một dự án đường thủy nội địa, phạt nguội xe quá tải, điều tiết giao thông qua hệ thống camera giám sát ... Tất cả sẽ được Sở GTVT TP.HCM tiếp tục nhân rộng, triển khai mạnh mẽ trên cả đường bộ, đường thủy, vận tải và các công trình giao thông. Trong những ngày đầu năm mới, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, về giải pháp chuyển đổi số (CĐS).
Sở GTVT TP.HCM đã ứng dụng công nghệ số hóa toàn bộ cho một dự án đường thủy nội địa.
Ứng dụng công nghệ trong quản lý, xử phạt
. Phóng viên: CĐS là nhiệm vụ hàng đầu buộc các đơn vị phải triển khai ứng dụng. Nhìn lại cả một quá trình CĐS, ngành GTVT TP. HCM đã làm được những gì, thưa ông?
+ Ông Bùi Hòa An: Nhận thức được tầm quan trọng của CĐS, Sở GTVT TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình CĐS và Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh trong lĩnh vực GTVT năm 2023, thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc chương trình CĐS tại Sở GTVT.
Sở cũng đã tham mưu UBND TP ban hành kế hoạch về xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ...
Nhìn lại, ngành GTVT TP.HCM đã ứng dụng công nghệ số, CĐS mạnh mẽ. Đơn cử, Sở GTVT đã ứng dụng công nghệ BIM – GIS, 3D hoàn thành việc khảo sát luồng đường thủy nội địa. Từ đó phục vụ công tác quản lý, công bố luồng và hoàn thành mô hình số hóa hiện trạng toàn bộ 82 tuyến đường thủy trên địa bàn TP.HCM. Hệ thống này có tổng chiều dài hơn 523 km với diện tích phần dưới nước hơn 5.500 ha. Tổng diện tích phần mái dốc và hai bên bờ hơn 10.000 ha trên địa bàn TP ... Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, công nghệ số hóa được ứng dụng toàn bộ cho hệ thống đường thủy nội địa.
Sở GTVT đã báo cáo, đề xuất và được UBND TP chấp thuận triển khai xử phát theo quy trình thí điểm xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức vận tải hàng hóa bằng ô tô thông qua việc sử dụng thiết bị cân tải trọng tự động tại ba trạm kiểm tra tải trọng từ tháng 11-2023.
Sáu nhiệm vụ trọng tâm
Theo ông Bùi Hòa An, trong công tác quản lý vận tải, Sở GTVT tiếp tục đưa ra sáu nhiệm vụ. Cụ thể, tiếp tục nâng cấp ứng dụng Go!Bus; triển khai thuê dịch vụ cung cấp hệ thống thu soát vé tự động trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Bên cạnh đó, Sở GTVT triển khai hệ thống cung cấp, quản lý bảng thông tin điện tử trên toàn địa bàn TP; triển khai dự án “Nâng cấp hệ thống điều khiển phục vụ công tác quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (giai đoạn 1)”; triển khai lệnh vận chuyển điện tử; triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí thải ngành GTVT…
Lần đầu tiên số hóa hiện trạng toàn bộ 82 tuyến đường thủy
. Xin ông cho biết kết quả cụ thể của việc ứng dụng các công nghệ vào quản lý GTVT?
+ Việc ứng dụng công nghệ BIM - GIS, 3D để hoàn thành việc khảo sát luồng đường thủy nội địa phục vụ công tác quản lý có nhiều ưu điểm so với phương pháp khảo sát truyền thống.
Ứng dụng này đã giúp tối ưu hóa về việc sử dụng con người do sử dụng tàu tự hành không người lái, máy bay không người lái, thiết bị quét gắn trên ô tô (Mobile Mapping) và các thiết bị tự động. Từ đó ngành GTVT có thể đo toàn bộ bề mặt đáy sông, khu vực nước nông giáp bờ, bờ sông; công trình ven bờ…, quét và nhận diện được hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa.
Có thể thấy công nghệ ứng dụng có độ chính xác cao hơn chủ yếu sử dụng thiết bị laser scan (chính xác đến đơn vị mm) so với phương pháp truyền thống. Từ kết quả này, đơn vị quản lý có thể trích xuất và kiểm tra dữ liệu, thông tin ở bất kỳ vị trí nào, đồng thời phát hiện được các vị trí lòng sông có các dị thường (hố xói); các vị trí sạt lở, hàm ếch…
Hơn hết, toàn bộ trên nền tảng duy nhất, trực tuyến, dễ dàng tích hợp BIM và GIS. Đặc biệt, toàn bộ dữ liệu được thể hiện ở thế giới thực, trực quan ở dạng 3D, có khả năng mô phỏng hoạt động vận tải đường thủy; tình huống lũ lụt và các trường hợp thời tiết khác để có cơ sở xây dựng các kịch bản ứng phó.
Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2024 Sở GTVT sẽ tiếp tục triển khai việc ứng dụng công nghệ này để số hóa hiện trạng đối với các lĩnh vực quản lý khác của sở như lĩnh vực cầu, hầm, đường bộ, các công trình giao thông khác, lĩnh vực vận tải hành khách công cộng để phục vụ hiệu quả công tác quản lý của Sở GTVT.
Sử dụng công nghệ điều tiết giao thông
. Camera giám sát giao thông, đặc biệt là ở các nút giao thông phức tạp đã góp phần giải quyết ùn ứ, phân luồng giao thông hiệu quả. Vậy trong năm 2024, ngành GTVT TP đã có những kế hoạch triển khai, ứng dụng công nghệ nào trong lĩnh vực này?
+ Phát huy kết quả đạt được, cùng với chủ đề năm 2024 của TP là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả CĐS và Nghị quyết 98 của Quốc hội”, trong năm 2024 Sở GTVT sẽ triển khai một số nội dung liên quan đến công tác quản lý, khai thác hệ thống camera giám sát giao thông trên địa bàn TP.
Cụ thể: Ngành GTVT tiếp tục bổ sung, thay thế hệ thống camera, đèn tín hiệu giao thông kết hợp sử dụng hệ thống các cảm biến công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo. Hệ thống này giúp thu thập tình hình giao thông, quản lý và điều hành giao thông theo thời gian thực tại các khu vực, trục đường chính, nút giao thông quan trọng... Đồng thời, Sở GTVT cũng xây dựng và lắp đặt các thiết bị, phần mềm theo dõi quan trắc các công trình cầu lớn trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, Sở GTVT TP cũng phối hợp với các đơn vị triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông qua các thiết bị camera ghi hình, camera kiểm soát tốc độ, thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe. Đồng thời Sở GTVT tiếp tục triển khai thí điểm và đánh giá việc sử dụng thiết bị cân tải trọng xe tự động để phạt nguội khi xe, người lái xe và chủ xe không còn ở hiện trường.
. Xin cảm ơn ông.•
Hình thành trung tâm dữ liệu của ngành GTVT
. Năm 2024, ngành GTVT TP.HCM đã có những kế hoạch CĐS ra sao, thưa ông?
+ Chúng tôi có quy định mỗi phòng, đơn vị trực thuộc đề xuất tối thiểu hai nhiệm vụ cụ thể để bổ sung vào kế hoạch triển khai chương trình CĐS trong năm 2024 tại Sở GTVT, đảm bảo thiết thực và khả thi. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình mức độ 4 đối với thủ tục hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GTVT.
Đặc biệt, Sở GTVT TP sẽ hoàn thành số hóa cơ sở dữ liệu lĩnh vực giao thông đường bộ, liên thông, tích hợp với kho dữ liệu dùng chung của TP; tiếp tục triển khai công nghệ BIM - GIS, 3D trong công tác số hóa các công trình giao thông; nâng cấp các phần mềm quản lý chuyên ngành.
Đồng thời hoàn thành việc cấp mô hình mô phỏng dự báo giao thông; hoàn thành đề tài nghiên cứu “Xây dựng kho dữ liệu dùng chung ngành GTVT”…, từng bước hình thành trung tâm dữ liệu (data center) ngành GTVT…
Ứng dụng công nghệ trong việc tích hợp mô hình thông tin công trình (BIM) vào hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào công tác quy hoạch chuyên ngành GTVT và một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.
(Nguồn: https://plo.vn/ )