Hệ thống Quản lý tài sản đường bộ (VRAMP) sẽ được công khai trong thời gian tới – đó là phát biểu của Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN trong Hội thảo Dự án Quản lý tài sản Đường bộ lần thứ 3.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện chia sẻ tại Hội thảo
Sáng 23/4, Hội thảo Hội thảo Dự án Quản lý tài sản Đường bộ lần thứ 3 đã diễn ra tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác Quốc tế cho biết, mạng lưới đường bộ tại Việt Nam, đặc biệt là đường quốc lộ trải dài theo dọc đất nước từ Bắc vào Nam với chiều dài hơn 25.000 km, bao gồm các nhóm công trình cầu, công trình đường bộ và các nhóm công trình khác đa dạng về quy mô, chủng loại, kích thước, kết cấu, cấp kỹ thuật cũng như cấp quản lý.
Với xu hướng phát triển không ngừng của kinh tế xã hội, số lượng các công trình đường bộ sẽ ngày một nhiều hơn, kết cấu phức tạp hơn, đòi hỏi công tác tổ chức quản lý phải ngày càng chuyên nghiệp, có hệ thống và khoa học. Ngoài ra, đây đều là tài sản quốc gia có giá trị rất lớn trong xây dựng và bảo trì, cần huy động một lượng lớn nhân lực của xã hội.
Với những yêu cầu trên, việc xây dựng hệ thống quản lý tài sản đường bộ với cơ sở dữ liệu lớn mang tính hệ thống và đồng bộ là công việc hết sức quan trọng và cần thiết, trong bối cảnh hiện nay.
Được sự đồng ý hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN đã đề xuất các nội dung để thực hiện công việc thu thập dữ liệu và xây dựng hệ thống quản lý tài sản đường bộ trong Hợp phần A- Quản lý tài sản đường bộ thuộc Dự án VRAMP với các mục tiêu cụ thể.
Sau thời gian triển khai Hợp phần A – Dự án VRAMP là 4 năm, với sự quan tâm, cố gắng của cá nhân, đơn vị liên quan, dự án cơ bản đã hoàn thành mục tiêu với dữ liệu tình trạng mặt cầu, mặt đường, 32 tài sản và tích hợp thông tin của 2 hệ thống PMS và VBMS, hệ thống hỗ trợ trong việc quản ký, điều hành, báo cáo, tích hợp thông tin cho các cơ quan, đơn vị; Hỗ trợ xây dựng kế hoạch bảo trì đường bộ và thuận tiện tra cứu, tìm kiếm các thông tin.
“Đây là cơ sở dữ liệu lớn nhất, quan trọng nhất của Tổng cục ĐBVN hiện nay, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý của Tổng cục về kết cấu giao thông đường bộ”, ông Toàn khẳng định.
Tại Hội thảo, ông Bhoj Raj PANTHA, Phó giám đốc dự án chia sẻ, Hợp phần A-1 đã đạt được một số kết quả như: Xây dựng khung cơ sở dữ liệu cho 34 loại tài sản thông qua việc đánh giá nhu cầu dữ liệu hiện có, hỗ trợ lập hồ sơ mời thầu (HSMT) và mua sắm trong Gói thầu RAM/G4; Lập HSMT cho công tác Thu thập dữ liệu, theo dõi tiến độ thu thập dữ liệu và xác minh dữ liệu được thu thập (Gói thầu RAM/NC1); Rà soát quản lý tài sản đường bộ (đặt tại TCĐB, phần mềm thương mại và nhu cầu thực tiễn nước ngoài), đề xuất hệ thống quản lý tài sản đường bộ (HT QLTSĐB), HSMT (ĐKTC, Tổng thể Thiết kế HT QLTSĐB), giám sát tiến độ và chất lượng xây dựng hệ thống; Đoàn tư vấn thực hiện Hội thảo tập huấn và Đào tạo tại chỗ về Đào tạo và Xây dựng năng lực cho các cán bộ của các cơ quan liên quan (4 Hội thảo/ Đào tạo tại chỗ năm 2016, 2018, 2019, 2020 và Hội thảo bổ sung tại 10 tỉnh/ Tp) với tổng số gần 1.600 người tham dự.
Hội thảo cũng là dịp để ban tổ chức giải đáp các thắc mắc, góp ý của các đại biểu tham dự.
Phát biểu bế mạc, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN trân trọng cảm ơn đại diện các cơ quan, tổ chức đến từ Đại sứ quán Nhật bản, Đại sứ quản Úc, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản (Jica) tại Việt Nam, các Bộ ngành liên quan, các trường đại học đã dành thời gian tham dự Hội thảo, cùng thảo luận để ban tổ chức có cơ hội chia sẻ và ngày một hoàn thiện hệ thống Quản lý tài sản đường bộ VRAMP.
Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, Đây là các tài sản kết cấu hạ tầng vô cùng quan trọng và có giá trị lớn của quốc gia; việc quản lý, giữ gìn và bảo trì các tài sản này là trách nhiệm của Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN; Cùng với yêu cầu và xu hướng tất yếu của xã hội, công tác quản lý đòi hỏi phải theo dõi kịp thời, nắm rõ thông tin về số lượng, chủng loại, giá trị, đặc điểm, hiện trạng và chất lượng tài sản… để nhanh chóng đưa ra giải pháp, chiến lược phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp, cùng với đó là đảm bảo sự minh bạch, công khai, là sự cải cách đổi mới về cơ chế quản lý trong ngành đường bộ, theo chủ trương chuyển đổi sang chính phủ số, phát triển chính phủ điện tử.
Hệ thống quản lý tài sản đường bộ (VRAMP) được giới thiệu chính là một trong những công cụ quan trọng để giải quyết và đạt được các yêu cầu trên; là kết quả của sự quyết tâm, nỗ lực, kỳ vọng của Tổng cục ĐBVN trong nhiều năm qua.
VRAMP khi xây dựng thành công sẽ góp phần chuyển đổi cách thức trong quản lý tài sản đường bộ trước đây sang quản lý bằng dữ liệu số, điều này là rất quan trọng, dữ liệu sẽ được coi là tài nguyên của ngành đường bộ, chuyển đổi cách thức quản lý của Tổng cục ĐBVN dựa trên báo cáo giấy sang dữ liệu số, nguồn dữ liệu cho phép tìm kiếm, tổng hợp, kiểm đếm, phân loại, quản lý một cách khoa học, theo thời gian lịch sử, tính thống nhất nguồn dữ liệu, xác định giá trị tài sản. Hệ thống có các chức năng hỗ trợ công tác lập kế hoạch nguồn vốn đầu tư, bảo trì hàng năm, trung hạn… đảm bảo tính minh bạch, công khai;
VRAMP cho phép kết nối, chia sẽ dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước (trước mắt Hệ thống sẽ kết nối với hệ thống quản lý tài sản công, trục cơ sở dữ liệu quốc gia) và dự kiến sau một thời gian ngắn vận hành thử, Hệ thống cũng sẽ cho phép người dân, doanh nghiệp truy cập miễn phí (có giới hạn) để cung cấp các thống tin cho xã hội.
Việc xây dựng thành công Hệ thống quản lý tài sản đường bộ cũng chính là cách thức Tổng cục ĐBVN đang chuyển đổi sang mô hình Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, theo xu hướng phát triển; đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ trực tuyến với các cơ quan của Chính phủ và cơ sở dữ liệu quốc gia, cung cấp các dịch vụ công miễn phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
“Khi chúng ta hoàn thiện xong sẽ làm lễ cắt băng khánh thành, công khai để cho người dân, doanh nghiệp truy cập”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện chia sẻ.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Để Hệ thống quản lý tài sản đường bộ này có hiệu quả cao hơn, đảm bảo Hệ thống có sự bền vững và phát triển, Tổng cục ĐBVN giao nhiệm vụ cho:
Các Vụ tham mưu, các Cục QLĐB, các Trung tâm Kỹ thuật Đường bộ tích cực vận hành sử dụng để đưa hệ thống đến gần hơn nữa trong thực tế quản lý, liên tục cập nhật dữ liệu mới và từng bước tạo thói quen sử dụng dữ liệu số cho các cá nhân, tổ chức theo đúng vai trò và tầm quan trọng của hệ thống, đúng với mục tiêu và kỳ vọng của Ngân hàng Thế giới và Tổng cục ĐBVN.
Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN giao Ban Quản lý dự án 3 tiếp tục chỉ đạo các đơn vị Tư vấn và các đơn vị liên quan hoàn thiện, cập nhật, nâng cấp các chức năng của Hệ thống theo ý kiến góp ý của các đơn vị để Tổng cục ĐBVN có một hệ thống quản lý tài sản đường bộ không chỉ đầy đủ dữ liệu mà còn tiện ích khi sử dụng, phù hợp với xu hướng của xã hội, yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Nguồn: https://mt.gov.vn/