Hệ thống quản lý tài sản đường quốc lộ trị giá hàng triệu tỷ đồng trong toàn quốc sẽ được số hóa thành hệ cơ sở dữ liệu dùng chung.
Với việc ứng dụng phần mềm quản lý tài sản đường bộ, các hư hỏng được phát hiện và chỉ đạo xử lý tức thời, tránh phát sinh chi phí (Trong ảnh: Bảo trì QL6 qua tỉnh Sơn La). |
Từ đó, làm thay đổi cung cách quản lý điều hành, giúp minh bạch và nâng cao chất lượng bảo trì đường bộ.
Ngồi nhà biết đường hư hỏng
Gắn bó với công việc tuần kiểm đường nhiều năm, anh Nguyễn Thành Trung, Chi cục phó Chi cục QLĐB I.1 chia sẻ, chỉ cần dùng điện thoại di động đăng nhập tài khoản, với vài thao tác đơn giản là đã cập nhật nhanh, đầy đủ hình ảnh, hiện trạng hư hỏng mặt đường, vi phạm hành lang. Số liệu từ hiện trường được cập nhật và hiển thị ngay trên bản đồ số giao thông cùng kiến nghị phương án xử lý, khối lượng vật tư liên quan tự động truyền đến các cấp quản lý.
“Trước đây, phương pháp thủ công phải mất từ 3-5 ngày, thậm chí cả tuần các bộ phận chức năng mới biết được hư hỏng, có hướng khắc phục. Với việc Tổng cục Đường bộ VN đưa vào ứng dụng phần mềm quản lý tài sản đường bộ, tại hiện trường, công nhân tuần đường chỉ cần chụp ảnh, quay video gửi lên hệ thống và sau 1 giờ đã có chỉ đạo khắc phục. Phần mềm cũng cập nhật, tạo lập bản đồ số giao thông đầy đủ, chính xác, tự động lấy lại vị trí lý trình, giúp lãnh đạo kiểm tra, giao nhiệm vụ triển khai sửa chữa, kịp thời”, anh Trung nói.
“So với các nước phát triển, lĩnh vực đường bộ ở Việt Nam còn khoảng cách khá lớn trong việc ứng dụng các yếu tố cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0. Bảo trì đường bộ từ chỗ lạc hậu, thủ công đang có bước chuyển mạnh mẽ. Ngành Đường bộ đã chủ động tiếp nhận và có những bước đi phù hợp trong ứng dụng công nghệ để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực trong công tác quản lý, vận hành khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN”
Ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục QLĐB I cho rằng, trước đây, việc trao đổi thông tin giữa các bộ phận từ khâu kiểm tra thực địa, lập phiếu yêu cầu công việc đến giao việc cho đơn vị sửa chữa cũng như kiểm tra sau sửa chữa chủ yếu theo phương pháp truyền thống, dẫn đến chất lượng công tác bảo trì đường bộ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
“Khi áp dụng phần mềm, tính tương tác giữa người trực tiếp tại hiện trường là tuần đường, nhà thầu quản lý tuyến đường và chủ đầu tư được nhanh chóng. Qua vài thao tác, từ công ty đến các Cục QLĐB đều biết sự việc và đưa ra hướng xử lý, cũng như báo cáo kết quả triển khai”, ông Hà nói.
Là đơn vị quản lý gần 1.000km đường của thành phố và quốc lộ ủy thác, ông Trần Văn Vương, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và ATGT, Sở GTVT Lạng Sơn cho biết: “Chi phí cho công nghệ này không lớn nhưng mang lại hiệu quả cao, hư hỏng được sửa chữa, phòng ngừa kịp thời.
Phần mềm cũng giúp quản lý được lao động, bởi tuần đường phải đi tuyến mới có hình ảnh chuyển lên hệ thống để báo cáo, tránh tình trạng không đi nhưng vẫn báo dẫn đến số liệu không trung thực”, ông Vương nói.
Minh bạch hóa bảo trì đường bộ
Là người trực tiếp xây dựng phần mềm này, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, từng lớp dữ liệu của các đơn vị quản lý đường sẽ được “lắp ghép” lên bản đồ số, qua đó có được bức tranh giao thông của cả nước.
“Đây là phần mềm có tính năng giao việc, kiểm soát tiến độ, chất lượng công việc bảo trì đường bộ, hỗ trợ thu thập thông tin, nắm bắt kịp thời các sự cố đột xuất xảy ra để đưa ra phương án xử lý kịp thời. Hệ thống giống như sổ điện tử, hồ sơ công trình sẽ được thay bằng hồ sơ điện tử”, ông Toàn nói.
Theo ông Toàn, hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý tài sản đường bộ dùng kỹ thuật số để thu thập và tích hợp quản lý 32 trường dữ liệu tài sản có trên đường bộ như tình trạng mặt đường, độ gồ ghề mặt đường, rãnh, cọc tiêu, biển báo, cầu, cống... Hiện, các tài sản trên đường cơ bản đã được định vị trên nền bản đồ số, quản lý được tọa độ từng loại.
“Hệ thống phần mềm quản lý tài sản đường bộ cũng sẽ kết nối với Chính phủ điện tử, cung cấp dữ liệu tổng hợp như tải trọng khai thác, kết cấu mặt đường, tốc độ khai thác... lên trục dữ liệu chung của Bộ GTVT và kết nối với cơ sở dữ liệu chung của Chính phủ. Người dân, doanh nghiệp có thể vào khai thác dữ liệu tại đây. Hệ thống cũng hỗ trợ cung cấp các dịch vụ công như cấp giấy phép thi công, cấp giấy phép chở quá khổ, quá tải. Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ KHCN-MT và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Đường bộ VN".
“Từ dữ liệu chi tiết đó sẽ có kế hoạch bảo trì cụ thể. Ví dụ như gối cao su cầu 20 năm phải thay, hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ tổng hợp sang năm sau có bao nhiêu gối cầu trên hệ thống quốc lộ đủ thời hạn phải thay để đề xuất trong kế hoạch”, ông Toàn nói.
Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay, trước đây thủ tục để sửa chữa định kỳ mất cả tháng nên khó ngăn chặn hư hỏng kịp thời, khối lượng phát sinh lớn, tốn kém kinh phí. Việc cập nhật vào hệ thống dữ liệu sẽ theo dõi được lịch sử tình trạng cầu đường, biết được hư hỏng có xứng đáng phải sửa chữa hay đường bị hư hỏng nhưng không có tiền sửa chữa.
“Các đơn vị xử lý công việc trên tuyến được cập nhật lên hệ thống và coi như đã báo cáo. Bằng điện thoại thông minh, người lãnh đạo vào hệ thống dữ liệu sẽ thấy được hệ thống đường bộ cả nước ngày hôm đó có bao nhiêu sự cố được phát hiện và tình trạng giải quyết của các đơn vị. Chỉ đạo xử lý sẽ được đưa ra kịp thời mà không cần báo cáo”, ông Điệp phân tích.
Lấy ví dụ như đợt bão lũ vừa qua trên địa bàn các tỉnh miền Trung, ông Điệp phân tích, thay vì phải gọi điện thoại hay đến tận hiện trường, qua hệ thống, lãnh đạo Tổng cục sẽ thấy được các tình huống hư hỏng, sạt lở hay tắc đường và cách xử lý của các đơn vị. Nếu thấy việc chỉ đạo xử lý tình huống chưa hợp lý hay phối hợp chưa tốt sẽ có điều chỉnh kịp thời.
“Hệ thống hỗ trợ cho việc lập kế hoạch bảo trì đường bộ, biết được tình trạng hư hỏng để dự trù ngân sách. Quan trọng nhất là giúp minh bạch hóa công tác lập kế hoạch bảo trì. Hơn nữa, phần mềm cũng thay được việc lập các đoàn “rồng rắn” đi kiểm tra lập kế hoạch bảo trì hàng tháng trời, tiết kiệm được nhiều chi phí, công khai minh bạch, chứng minh được tình trạng bảo trì so với nguồn vốn được cấp”, ông Điệp nói.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, đi đôi với các giải pháp ứng dụng công nghệ, vật liệu mới, nâng cao chất lượng, kéo dài tuổi thọ công trình, hiệu quả đồng vốn, với phần mềm quản lý tài sản đường bộ hiện đại sẽ góp phần nâng cao công tác kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng bảo trì đường bộ và xử lý vi phạm.
“Các đơn vị quản lý đường bộ đã ứng dụng CNTT trong giám sát công tác quản lý, tuần kiểm đường bộ trên nền bản đồ số kết hợp với hệ thống thiết bị di động thông minh sử dụng phần mềm quản lý công việc trực tuyến, qua đó giám sát công tác thực hiện của đơn vị quản lý và đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, giám sát các hoạt động trên tuyến thường xuyên song song với việc ra các mệnh lệnh thực hiện thông qua tương tác qua lại giữa các đơn vị”, ông Huyện nói.
Cũng theo ông Huyện, sử dụng phần mềm quản lý tài sản đường bộ sẽ có được con số tổng thể số lượng tài sản và giá trị của tài sản đường bộ hiện có, nôm na là sẽ biết được nhà có bao nhiêu tài sản và tổng giá trị bao nhiêu tiền. Một năm Tổng cục tiêu 10.000 tỷ đồng để bảo trì, nghe con số có vẻ lớn nhưng với số tiền đó để bảo trì tài sản trị giá 1 triệu tỷ đồng thì lại rất bé, chiếm khoảng 0,1% nên sẽ khó duy trì được chất lượng như mong muốn. Nắm được giá trị tài sản sẽ có được kế hoạch bảo trì phù hợp.
(Nguồn: mt.gov.vn)