(TN&MT) - Chiều 8/7, tại Hà Nội, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ chủ trì, phối hợp với Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học và công nghệ với chủ đề "Công nghệ địa không gian thông minh trong quản lý TN&MT". Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ.
Tham dự Hội thảo có GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch Hội Trắc địa – Bản đồ - Viễn thám Việt Nam; TS Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Hội Trắc địa – Bản đồ - Viễn thám Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ và viễn thám.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ và TS Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ chủ trì Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cho biết, ngày nay, công nghệ địa không gian với sự kết hợp các kỹ thuật tiên tiến được sử dụng để thu thập, phân tích và quản lý thông tin không gian của các đối tượng trên bề mặt trái đất đã góp phần quan trọng trong việc phục vụ giải quyết các vấn đề có tính liên ngành, phục vụ công tác quản lý lãnh thổ, quản lý tài nguyên.
Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin truyền thông (ICT) kết hợp với việc thiết kế chế tạo hệ thống các thiết bị cảm biến, hình thành nên các hệ thống IoT thu nhận dữ liệu từ xa thời gian thực cho phép nhanh chóng thu nhận, cập nhật các dữ liệu liên quan để phục vụ quản lý tài nguyên môi trường, quy hoạch đô thị và ngăn ngừa, giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra trong tình hình hiện nay.
Với mong muốn giới thiệu một số các kết quả nghiên cứu khoa học đã đạt được, một số phương hướng khoa học và công nghệ cần đẩy mạnh nhằm phát triển công tác đo đạc và bản đồ ở nước ta trong giai đoạn tiếp theo, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ tổ chức Hội thảo này.
TS. Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, các nhà khoa học, tổ chức và cá nhân trao đổi, chia sẻ thông tin, phổ biến các kết quả nghiên cứu, ứng dụng và định hướng phát triển của công nghệ địa không gian thông minh trong lĩnh vực quản lý và khai thác dữ liệu gắn liền với bảo vệ tài nguyên môi trường phục vụ chiến lược xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã giới thiệu, chia sẻ các kết quả khoa học về các giải pháp tích hợp công nghệ và dữ liệu địa không gian với các nền tảng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số như: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (CC), công nghệ chuỗi khối, GIS, GNSS, UAV, RS, LiDar,…; Những quy định pháp lý hiện hành, các chính sách trong việc thu thập, sử dụng dữ liệu không gian. Các thách thức và xu hướng mới trong phát triển công nghệ từ đó đề xuất các chính sách cần thiết hỗ trợ sự phát triển công nghệ địa không gian thông minh trong quản lý tài nguyên và môi trường.
Quang cảnh Hội thảo
Giới thiệu về vai trò của công nghệ và dữ liệu địa không gian trong hành trình thực hiện mục tiêu các mô hình tăng trưởng mới, GS.TS Võ Chí Mỹ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Trắc địa – Bản đồ - Viễn thám Việt Nam cho rằng, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập với sự phát triển của thế giới, Việt Nam đang trong quá trình thực hiện các mô hình tăng trưởng mới như tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, Net Zero và chuyển đổi số. Với nhiều khả năng nổi trội, công nghệ và dữ liệu địa không gian đóng vai trò quan trọng quá trình thực hiện mục tiêu các mô hình tăng trưởng mới của đất nước. Trong đó, việc quản lý và giám sát hiện trạng và sự biến động các thành phần TN&MT là yếu tố then chốt góp phần thực hiện các mô hình tăng trưởng xanh.
GS.TS Võ Chí Mỹ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Trắc địa – Bản đồ - Viễn thám Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo
Đề xuất các giải pháp ứng dụng hiệu quả công nghệ và dữ liệu địa không gian, theo GS.TS Võ Chí Mỹ cho rằng, các chuyên gia công nghệ địa không gian cần nghiên cứu lựa chọn và khai thác các loại hình công nghệ hiện đại, phù hợp phục vụ công tác thu thập, quản lý, phân tích, hiển thị và chia sẻ thông tin theo không gian và thời gian thực, hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hành trình thực hiện mục tiêu các mô hình tăng trưởng góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quang Minh, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã đề cập tới công nghệ “Trí tuệ nhân tạo không gian địa lý” (GeoAI) - một công nghệ đang phát triển nhanh chóng với nhiều hướng đi khả thi cho các ứng dụng cao cấp góp phần xử lý dữ liệu cho ngành đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Minh, GeoAI là một công nghệ đòi hỏi người tham gia có trình độ chuyên sâu và cao, sử dụng các công cụ gồm các thuật toán phức tạp và các kỹ thuật đòi hỏi sự sáng tạo của riêng từng người xây dựng mô hình.
Vì vậy, để ứng dụng hiệu quả GeoAI, đòi hỏi các cơ quan thành lập bản đồ phải tạo dựng được một môi trường làm việc chuyên nghiệp, từ điều kiện hạ tầng đến định hướng nghiên cứu, đảm bảo không tụt hậu so với xu thế phát triển AI hiện nay, thậm chí cần phải đi trước một bước để đưa GeoAI như một nền tảng cho các chuyên ngành khác phát triển.
Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần phải chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu có nền tảng và hội đủ chuyên môn về khoa học máy tính và khoa học không gian địa lý nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời đại mới.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu về ứng dụng công nghệ địa không gian trong điều tra, thống kê, quản lý thông tin, dữ liệu TN&MT. Trong đó tập trung vào các cơ sở khoa học, giải pháp đo đạc, mô hình hóa, lập bản đồ, phân tích, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây, xây dựng hạ tầng thông tin địa lý, dữ liệu không gian,… phục vụ công tác giám sát, dự báo, cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định về TN&MT. Đồng thời đề xuất các giải pháp, khuyến nghị tăng cường ứng dụng công nghệ địa không gian thông minh trong chiến lược xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia và chương trình chuyển đổi số của ngành TN&MT.
(Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/)