TP.HCM đang quyết liệt thực hiện việc số hóa dữ liệu cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó phải kể đến công trình khảo sát, thu thập thông tin luồng đường thủy nội địa (dưới nước và trên cạn) tích hợp lên cổng thông tin điện tử của Sở GTVT và Trung tâm Quản lý Đường thủy TP.HCM để phục vụ cung cấp thông tin và quản lý.
Mô hình số 3D hiện trạng cầu Công Lý và tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Trong buổi làm việc hồi cuối tháng 9.2023 với Công ty CP Tư vấn thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển (Portcoast), có sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP đã đề nghị Portcoast phối hợp, hỗ trợ các đơn vị sở, ngành của TP trong việc ứng dụng công nghệ số. Và công trình khảo sát luồng đường thủy nội địa phục vụ công tác quản lý và công bố luồng là kết quả bước đầu của sự phối hợp này. Đây là công trình áp dụng chuyển đổi số toàn diện, 100% trên nền tảng số.
Sản phẩm khảo sát là mô hình số hiện trạng toàn bộ 82 tuyến đường thủy của thành phố, với tổng chiều dài hơn 523 km, tổng diện tích phần dưới nước hơn 5.500 ha. Ngoài ra, đơn vị tư vấn còn thực hiện khảo sát khu vực bờ kênh, rạch với tổng diện tích phần mái dốc và 2 bên bờ hơn 10.000 ha, cùng với 217 cầu và cống; 200 tuyến đường điện cao/trung/hạ thế và 146 cảng và bến thủy nội địa. Đơn vị cũng thực hiện việc thiết kế luồng, hệ thống phao tiêu báo hiệu theo quy hoạch và hiện trạng; thiết kế cảnh quan điển hình 2 bên bờ sông cho 82 tuyến kênh, rạch.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Portcoast, cho biết công nghệ, thiết bị sử dụng cho khảo sát là hiện đại nhất tại thời điểm hiện nay trên thế giới (như thiết bị Survey/Scan to BIM-GIS). Cụ thể, đơn vị tiến hành khảo sát đo sâu bằng thiết bị đo sâu hồi âm đa tia, đơn tia ứng dụng công nghệ đo động thời gian thực (Real-Time Kinematic - RTK) bằng tàu khảo sát, kết hợp tàu không người lái USV tích hợp thiết bị hồi âm đa tia (đo dưới nước và Lidar - trên mặt nước ven bờ).
Kế đến là khảo sát trên cạn bằng hệ thống thiết bị máy bay không người lái UAV tích hợp các thiết bị Lidar, máy ảnh tích hợp 5 camera (công nghệ Photogrammetry); khảo sát công trình vượt tuyến (cầu, cống), các hạng mục chi tiết bằng các thiết bị quét laser scan 3D (tầm quét từ 130m đến 1 km, độ chính xác đến mm, tốc độ quét 2 triệu điểm/s); tuyến đường điện cao/trung/hạ thế bằng UAV tích hợp thiết bị Lidar và thiết bị quét laser scan 3D; khảo sát đường ven sông bằng công nghệ Mobile Mapping.
"Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, công nghệ số hóa được ứng dụng toàn bộ cho một dự án đường thủy nội địa với quy mô lớn như thế. Việc ứng dụng công nghệ với các thiết bị hiện đại rút ngắn thời gian khảo sát chỉ bằng 30 - 40% so với khảo sát theo phương pháp thông thường hiện nay (sản phẩm 100% là 2D), trong khi công nghệ áp dụng cho dự án này có độ quy mô và độ chính xác lại cao hơn nhiều lần (sản phẩm 100% là 3D)" - ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.
Được biết, mô hình số toàn bộ hệ thống đường thủy nội địa thành phố được xây dựng trên nền tảng tích hợp mô hình thông tin công trình (BIM) và hệ thống thông tin địa lý (GIS). Mô hình số này cho chúng ta biết một cách trực quan ở dạng 3D với tích hợp đầy đủ các lớp dữ liệu thông tin quản lý đường thủy nội địa của thành phố: độ sâu luồng, hiện trạng ven 2 bên bờ, các công trình vượt tuyến, cảng và bến thủy nội địa, hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa… Có thể nói đây như là thế giới thực có thể sử dụng để quy hoạch các dự án liên quan như quy hoạch, chỉnh trang đô thị ven sông, kè bảo vệ bờ, các dự án vượt tuyến mới…
Mô hình số này được phân quyền quản lý và truy cập theo từng cấp, rất dễ dàng cập nhật mọi thông tin thay đổi theo thời gian thật và có thể truy cập thông tin mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện kỹ thuật số (máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh) phục vụ không chỉ cho công tác quản lý của các cơ quan quản lý mà còn cung cấp thông tin cho cộng đồng, dân cư dễ dàng tiếp cận.
Công trình ứng dụng công nghệ số này hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và UBND TP.HCM về áp dụng xây dựng mô hình thông tin công trình (BIM) và tích hợp mô hình thông tin công trình vào hệ thống thông tin địa lý (GIS).
Dưới đây là một số hình ảnh điển hình về chuyển đổi số toàn diện của công trình khảo sát luồng đường thủy nội địa phục vụ công tác quản lý và công bố luồng:
Mô hình số 3D độ sâu kênh Thanh Đa
Mô hình số 3D đáy kênh Thanh Đa
Mô hình số 3D đáy kênh Thanh Đa
Đây là mô hình số 3D kè bảo vệ bờ sông
Mô hình số 3D kè bảo vệ bờ sông.
Nguồn: https://thanhnien.vn/