Ngày 21/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Tập đoàn TODA (Nhật Bản) về chủ đề năng lương tái tạo, điện gió ngoài khơi.
Nhật Bản là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng.
Thông tin tại buổi làm việc, Ngài Imai Masanori, Chủ tịch Tập đoàn TODA cho biết, việc Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản có tuyên bố chung Hợp tác về chuyển đổi năng lượng, trong đó ghi nhận tầm quan trọng của việc vừa đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa giảm phát thải khí nhà kính, cũng như các lộ trình chuyển đổi thực tế khác nhau tùy theo hoàn cảnh của mỗi nước và không ngừng đổi mới sáng tạo để đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Trên cơ sở đó, Tập đoàn TODA đã xin phép và được Chính phủ Nhật Bản đồng ý cấp vốn để nghiên cứu về điện gió tại Việt Nam.
Tập đoàn TODA được Chính phủ Nhật Bản ủy thác làm việc với các bộ, ban, ngành, trong đó có Bộ Công Thương của Việt Nam để thực hiện dự án này. Tập đoàn TODA đã có tham khảo về tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam qua bản đồ gió của Ngân hàng thế giới đưa ra. Chúng tôi mong muốn lắp đặt thiết bị đo gió tại Việt Nam, cụ thể là tỉnh Bình Thuận.
Cũng tại buổi làm việc, Ngài Imai Masanori thông tin về một số dự án năng lượng tái tạo do Tập đoàn TODA triển khai tại Nhật Bản, đặc biệt là công nghệ turbine gió nổi.
Trao đổi với đoàn công tác của Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài, tiềm năng điện gió ngoài khơi là rất lớn. Tuy nhiện, việc sản xuất điện gió bao gồm trên bờ, gần bờ, ngoài khơi giá thành cao, do phụ thuộc vào giá thành, công nghệ. Nhật Bản đã dự đoán đúng khi Việt Nam cam kết tại COP26 trung hòa cacbon vào 2050, điện gió ngoài khơi, nguồn điện sạch sẽ được tập trung khai thác. Việc để có được giá thành sản xuất giảm với nguồn điện năng này, đòi hỏi nhà đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại chỗ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhắc lại việc Việt Nam – Nhật Bản đã cam kết tại COP26 về trung hòa cacbon vào 2050, việc khai điện gió ngoài khơi sẽ phục vụ cho nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Hiện nay, thiết bị điện gió gần bờ, trên bờ giá thành còn cao, tương lai sẽ nghiên cứu, sản xuất thiết bị nhằm hạ giá thành. Việt Nam hoan nghênh nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia sản xuất thiết bị, phục dự án điện gió ngoài khơi. Việc này không chỉ là lợi nhuân mà còn là bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đề xuất của Tập đoàn TODA là phù hợp với mong muốn của Việt Nam. Bộ Công Thương khuyến khích việc hình thành trung tâm nghiên cứu điện gió ngoài khơi của Tập đoàn TODA. Việc này phù hợp với tuyên bố chung của 2 nước, hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp METI – Nhật Bản.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng giới thiệu để phía Tập đoàn TODA làm việc với Trung tâm Đổi mới sáng tạo, sớm hình thành trung tâm nghiên cứu điện gió ngoài khơi vì điểm mạnh của Tập đoàn TODA chính là hợp tác với Việt Nam nghiên cứu, đầu tư sản xuất tại chỗ. Hợp tác sản xuất thiết bị điện gió ngoài khơi như đề xuất của Tập đoàn TODA là phù hợp với mong muốn của Việt Nam./.
Nguồn: Dangcongsan.vn