Việc phát triển mở rộng không gian ngầm, khai thác và quản lý nguồn tài nguyên này một cách hiệu quả là điều tất yếu trong phát triển đô thị.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM, mật độ dân số ngày càng gia tăng, gây áp lực không nhỏ về nhu cầu nhà ở, giao thông và môi trường. Việc phát triển mở rộng không gian ngầm, khai thác và quản lý nguồn tài nguyên này một cách hiệu quả là điều tất yếu trong phát triển đô thị.
Việc phát triển mở rộng không gian ngầm là tất yếu trong phát triển đô thị
# "Trong tương lai, đất nước mình sẽ có những công trình lớn và rộng rãi như vậy. Nhưng mà tính toán quỹ đất làm sao để phát triển nhanh".
# "Theo tôi, hiện nay cái khó là dưới lòng đất thì dây điện, đường nước khi thiết kế quy hoạch không đồng nhất".
# "Thành phố cần có cơ quan điều phối để kết hợp các dữ liệu của các công trình ngầm lại với nhau".
# "Cơ sở dữ liệu là quan trọng nhất, bởi vì cho phép chúng ta biết là chúng ta có thể phát triển không gian ngầm thêm ở đâu. Và cơ sở pháp lý là cái quan trọng thứ hai".
Theo các chuyên gia, một đô thị hiện đại, công trình ngầm chiếm khoảng 20%-25% trong tổng số các dạng công trình. Trong khi đó, với thực trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng tại các đô thị lớn, trong đó có Tp.HCM thì việc quy hoạch và phát triển không gian ngầm là yêu cầu hết sức cần thiết.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố, năm 2019 sẽ hoàn chỉnh quy hoạch phát triển không gian ngầm thành phố, ưu tiên tập trung phát triển ở khu trung tâm vùng lõi 930 ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Việc này giúp mở thêm không gian cho phương tiện giao thông, các loại hình dịch vụ, thương mại dưới lòng đất; giảm áp lực kẹt xe và đáp ứng tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng như hiện nay.
Tuy nhiên, hiện các công trình ngầm trên địa bàn thành phố vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và hiệu quả chưa như mong đợi; chỉ khai thác ở mức bãi đỗ xe ngầm ở các tòa nhà trung tâm, hầm chui tại các nút giao thông trọng điểm; trong khi các tuyến metro kết hợp giao thông với dịch vụ thương mại hiện đại dưới lòng đất vẫn chưa hoàn thành, cũng như bãi đỗ xe ngầm công cộng hiện đại chỉ dừng ở mức khởi động dự án. Nguyên nhân do công tác quy hoạch, quản lý trước đây còn chồng chéo, thiếu khoa học, thiếu thông tin dữ liệu giữa các đơn vị về công trình ngầm hiện hữu; đã gây khó khăn trong việc phát triển không gian ngầm thành phố.
Theo Ông Hà Ngọc Trường – Phó chủ tịch hội Cầu đường cảng Tp.HCM, hiện có đến 15 đơn vị khác nhau quản lý các công trình ngầm như điện, nước, cáp viễn thông… Các nhà thầu gặp nhiều khó khăn khi phải liên hệ các đơn vị để nắm được bản đồ quy hoạch, thậm chí có những công trình ngầm quốc gia không thể di dời, khiến một số công trình ngầm của thành phố phải dừng dang dở hoặc không thể thi công. Ông Hà Ngọc Trường cho biết:
"Quy hoạch phát triển không gian ngầm thành phố đã đặt ra từ lâu nhưng khi đi vào thực tiễn thì chưa có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm. Cho nên nó không đồng bộ với lại các công trình trên mặt đất. Lúng túng ở chỗ khi mình thi công rồi nhưng quy hoạch chưa được duyệt nên đụng chạm. Khi đụng chạm thì tiến độ công trình bị dừng lại. Cho nên ngay bây giờ phải thành lập trung tâm quản lý không gian ngầm và sự cấp thiết phải có quy hoạch không gian ngầm, để người ta biết hiện trạng các công trình ngậm hiện hữu và khi đó làm quy hoạch mới không đụng chạm các công trình đó".
Việc phát triển không gian ngầm thành phố bị hạn chế không chỉ do thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu thông tin dữ liệu về các công trình ngầm hiện hữu, mà các công trình ngầm tại khu trung tâm hiện nay vừa manh mún, vừa đơn giản, thiếu tính liên kết và tính tích hợp mô hình hiện đại. Chủ yếu các công trình dân dụng chỉ khai thác làm bãi đỗ xe hoặc công trình ngầm hóa hệ thống cấp thoát nước, chưa có nhiều dịch vụ thương mại đa dạng. Về lâu dài, hậu quả sẽ gây lãng phí nguồn tài nguyên này, nếu phát triển, xây dựng tràn lan, không theo quy hoạch, kế hoạch.
Ông Hà Ngọc Trường đánh giá:
"Nếu chúng ta cứ cho đầu tư phát triển nhà cao tầng tại trung tâm hiện hữu, nhất là ở ven kênh thì có bất lợi, thứ nhất địa chất sạt lở, thứ hai mật độ dân số cao gây ùn tắc giao thông. Vì thế, thành phố phải hạn chế cho xây dựng những khu đô thị ở trung tâm để phát triển các khu đô thị vệ tinh".
Có thể nói, việc quy hoạch hạ tầng kỹ thuật sử dụng nhiều tầng với đa chức năng; quy hoạch hợp lý với điều kiện địa chất, đô thị; cũng như kết nối hệ thống các công trình ngầm lại với nhau là những yếu tố quan trọng để khai thác không gian ngầm một cách hiệu quả. Ông Hoàng Tùng – Phó giám đốc Sở Quy hoạch và kiến trúc Tp.HCM khẳng định:
"Cần thiết ban hành một cái quy định, nhầm đảm bảo việc kết nối các không gian ngầm lại với nhau một cách thuận lợi. Và đặc biệt là kết nối công trình không gian ngầm công cộng với các công trình ngầm dân dụng".
Trước mắt, để thúc đẩy phát triển không gian ngầm, thành phố sớm hoàn thiện quy hoạch không gian ngầm, tập trung cơ sở dữ liệu các công trình ngầm hiện hữu, nhằm có giải pháp điều chỉnh, làm “sạch hóa” không gian ngầm; có kế hoạch hợp lý tránh lặp lại “mạng nhện ngầm” như điện, nước, viễn thông như hiện nay. Bên cạnh đó, thành phố cần nghiên cứu tính toán vị trí ngầm hóa ở đâu, cũng như các công trình phải mang tính kết nối, đa chức năng; để tận dụng hết tiềm năng và phát huy hết hiệu quả không gian ngầm trong tương lai.
Tp.HCM quy hoạch và phát triển không gian ngầm: Đừng chỉ nêu mà không hành động (bài bình luận của nhà báo Bùi Trọng Điển)
Không chỉ riêng Tp.HCM, các đô thị khác đều gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển không gian ngầm. Tuy nhiên, nếu được khai thác tốt và quản lý bài bản sẽ tạo động lực phát triển đô thị bền vững cho Tp.HCM và cả nước nói chung.
Không gian ngầm trước chợ Bến Thành sau khi tuyến metro số 1 hoàn thành.
Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ông Nguyễn Thành Phong khi truy trách nhiệm của các sở, ngành đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần về việc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP vẫn còn nợ quy hoạch chi tiết về không gian ngầm của TP cả trước mắt lẫn lâu dài.
Tp.Hồ Chí Minh nhiều năm trước đây cũng đã bước đầu quy hoạch khu trung tâm, trong đó có không gian ngầm ở quận 1. Tuy nhiên, so với tốc độ phát triển hiện nay, không gian ngầm thành phố tuy có phát triển, nhưng cũng rất bát nháo, lộn xộn. Có trực tiếp đến các điểm không gian ngầm của thành phố mới đấy rõ điều này. Không sâu so với mặt đất là hệ thống cáp ngầm viễn thông chằng chịt, rối bời, không phân biệt được của đơn vị nào quản lý; khi trục trặc là đào bới lung tung, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các sinh hoạt cũng như lưu thông của người đi đường.
Đó là chưa kể, sâu một nấc là hệ thống đường điện, đường ống nước ngang dọc, ôm quấn nhau rất khó xử lý khi có sự cố. Tầng sau cùng là hệ thống không gian ngầm dành dùng để xe, khu thương mại, dịch vụ nhưng cũng muôn hình vạn trạng, rất bất cập. Đó là chưa kể việc thiết kế và triển khai không gian ngầm một thời gian dài không theo quy hoạch, thiếu các căn cứ khoa học, không nghiên cứu về địa lý địa chất khiến khi thi công khu vực xung quanh bị lún sụt, không đảm bảo an toàn. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu của thành phố cũng phải chậm tiến độ vì đụng phải hệ thống điện, nước chằng chịt trong lòng đất.
Rõ ràng trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa chóng mặt như Tp.Hồ Chí Minh hiện nay, nhất là trong điều kiện tuyến Me Tro số 1 Bến Thành- Suối Tiên đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ để đưa vào sử dụng năm 2020 thì việc triển khai quy hoạch chi tiết không gian ngầm là rất cần thiết. Tạo ra các phương thức vận tải và hoạt động giao thương đa dạng dưới lòng đất, chia sẻ áp lực cho mặt đất. Đó là chưa kể, không gian ngầm cũng chính là một thành tố quan trọng để xây dựng một đô thị thông minh, hiện đại.
Mấu chốt ở đây là công tác quản lý nhà nước phải thể hiện trách nhiệm đến cùng trước các bát nháo của không gian ngầm thành phố hiện nay. Đó là cùng với quy hoạch chi tiết cần kiểm tra đánh giá, toàn diện không gian ngầm của thành phố đang được sử dụng ra sao. Từ đó có sự phân bổ, sắp sắp xếp lại một cách khoa học, hợp lý; tránh quá nhiều đầu mối quản lý. Khi đã có quy hoạch cần tuân thủ chặt chẽ, không cho “ xé rào” hoặc buông lỏng quản lý. Để làm được điều này, cùng với tư duy có tâm có tầm của lãnh đạo thành phố và các sở, ngành liên quan; đồng thời còn là hành động thực chất trong thực tiễn của đội ngũ quản lý và thừa hành các cấp cho vấn đề này.
Rõ ràng đã đến lúc cần thẳng thắn đề cập, công tác quy hoạch và triển khai không gian ngầm của thành phố Hồ Chí Minh, đừng chỉ nêu mà cần hành động mới mong thành công.
Trong tương lai không gian ngầm sẽ chia sẻ, giảm áp lực quá tải cho mặt đất, đáp ứng tốc độ phát triển đô thị. Do đó, việc sớm có một kế hoạch khoa học, bài bản trong phát triển, quản lý không gian ngầm là cần thiết. Nhất là chuẩn bị một nguồn lực căn bản để phát triển hệ thống không gian ngầm đồng bộ, tránh tình trạng “tắc trên, nghẽn dưới”.
Nguồn: https://vovgiaothong.vn/