SỬ DỤNG RADAR XUYÊN ĐẤT DÒ TÌM HÀI CỐT 17 CẢM TỬ QUÂN Ở QUẢNG NAM - ƯỚC NGUYỆN “TRẢ LẠI TÊN CHO ĐỒNG ĐỘI”
“Đồng đội tôi cũng như tôi, quên mình vì tổ quốc. Tôi may mắn được trở về, hưởng hòa bình, nên ông nên bà. Còn đồng đội tôi, nhiều người mãi nằm lại nơi chiến trường. Người thân muốn thắp cho họ một nén hương cũng không biết họ ở nơi đâu" Đó là những lời chia sẻ xúc động của ông Phạm Công Hưởng, một cựu binh của Tiểu đoàn Đặc công 404, Quân khu 5.
Sau khi trở về từ chiến trường, ông Hưởng luôn lần mò ký ức để tìm manh mối về nơi diễn ra trận đánh bi hùng của đội 17 người lính Đặc công cảm tử tại sân bay Khâm Đức năm 1970. Câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của những đồng đội cùng đơn vị đã theo ông Hưởng suốt nửa thế kỷ qua. Đến năm 2011, khi có thông tin từ Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng, ông Hưởng đã tổ chức một chuyến đi gần 60 người vào khu vực sân bay Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam để tìm kiếm, mở đầu cho cuộc hành trình tìm kiếm đồng đội gian nan ròng rã hơn 10 năm.
Suốt hai năm 2011-2012, sau hàng chục chuyến đi, tốn kém tiền của và công sức, ông Hưởng cùng đồng đội và người thân vẫn không thể tìm ra địa điểm diễn ra trận đánh cũng như nơi chôn cất 17 cảm tử quân. “Có năm, tôi vào Quảng Nam tới vài lần nhưng cứ hy vọng rồi lại thất vọng”, ông Hưởng chia sẻ. Đặc biệt, năm 2013, do sức khỏe suy giảm, ông Hưởng còn sợ không biết có kịp hoàn thành ước nguyện “trả lại tên cho đồng đội”. Song càng lo ông càng mày mò tìm kiếm thông tin.
Cùng với đó, ông âm thầm liên lạc, trao đổi với đồng đội cùng đơn vị, mặt khác ông liên hệ với chính quyền địa phương và Ban Chỉ huy quân sự huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam để xin hỗ trợ việc tìm kiếm. Ngoài ra, ông còn làm văn bản mời các tổ chức khoa học trong nước để tiến hành tìm hố mộ bằng phương pháp sử dụng Radar xuyên đất thay cho việc đào bới thủ công, cơ giới. Cảm động trước nghĩa tình của người lính cựu dành cho những đồng đội đã ngã xuống, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghệ thông tin Gia Định TP Hồ Chí Minh, Viện Vật lý địa cầu- Liên hiệp các tổ chức khoa học Việt Nam đã cử các đoàn cán bộ tham gia tìm kiếm.
Kết hợp với những đoạn phim tư liệu do cựu phóng viên chiến trường của quân đội Mỹ - ông Christopher Jensen đăng tải, qua những lần trao đổi với tác giả đoạn phim, ông Hưởng không chỉ có thêm thông tin mà ông còn nhận được sự hỗ trợ từ một số chuyên gia khảo cổ học người Mỹ có kinh nghiệm tìm kiếm hài cốt trong chiến tranh.
Một trong những sơ đồ do cựu chiến binh Mỹ cung cấp để tìm hố mộ 17 bộ đội đặc công D404. Dấu chấm màu xanh là vị trí hố mộ được tìm phát lộ vào 1/6/2020
Ròng rã hơn 10 năm, vừa lần dở ký ức, vừa chắp mối thông tin kết hợp với kỹ năng đọc bản đồ ngày 01 tháng 06 năm 2020, ông Hưởng cùng các cựu chiến binh thuộc Tiểu đoàn Đặc công 404, bộ đội huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam và thân nhân của các liệt sỹ đã tìm được hố mộ tập thể - nơi chôn cất 17 cảm tử quân, hy sinh từ cách đây nửa thế kỷ. "Khi đồng đội của tôi báo tin đã tìm được hài cốt đồng đội, tôi đã bật khóc. Khóc vì cảm giác như mình vừa giành được chiến công sau hàng chục năm khắc khoải, miệt mài kiếm tìm”, ông Hưởng bày tỏ.
Hố chôn 17 cảm tử quân tử trận từ cách đây 50 năm được phát hiện và khai quật vào tháng 06/2020
Kết quả của cuộc tìm kiếm suốt nhiều thập niên đã khiến thân nhân 17 liệt sĩ vỡ òa cảm xúc. Bà Nguyễn Thị Luận, ở thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - chị gái của liệt sỹ Nguyễn Trọng Thế là một trong số đó. “Là lính đặc công nên em không gửi một dòng thư nào về cho người thân. Nửa thế kỷ mong ngóng nên khi được đón em về, cả gia đình tôi khóc. Khóc vì vui mừng, khóc vì tự hào về sự hy sinh anh dũng của em”, bà Luận xúc động chia sẻ.
Hình ảnh Lễ Truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những nỗi đau chiến tranh vẫn hiện hữu trong lòng nhiều người. Cuộc hành trình tìm kiếm đồng đội gian nan của ông Hưởng là một lời tri ân với những người chiến sỹ đã hy sinh cho đất nước. Khép lại quá khứ đau buồn, nhưng chúng ta không lãng quên quá khứ, lãng quên đi những nỗi tiếc thương những người đã khuất như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Họ hy sinh cho Tổ quốc sống mãi, vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam".
Nguồn: https://vov2.vov.vn/bai-ca-nguoi-linh/nguoi-linh-cuu-va-chien-cong-sau-nua-the-ky-31246.vov2
--> "(Còn Tiếp)"
ILTech tổng hợp và biên soạn